Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Bắc Kinh đã thiết kế xong vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay 01/06/2016 đã trích dẫn nhiều nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã hoàn chỉnh phương án thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nhưng sẽ chỉ tuyên bố áp dụng trong trường hợp bị Mỹ lấn lướt. Việc tiết lộ nguồn tin đáng ngại này được cho là nhằm gây thêm sức ép trên Hoa Kỳ vào lúc sắp mở ra cuộc đối thoại chiến lược thường niên gọi là « 2+2 » giữa Bắc Kinh và Washington.

Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc tự công bố trên Biển Hoa Đông.
Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc tự công bố trên Biển Hoa Đông. wikipedia
Quảng cáo

Theo báo South China Morning Post, các nguồn tin phù hợp từ giới có liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc và từ một chuyên san quốc phòng có uy tín tại Canada đều đã thẩm định rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, hai năm sau khi tuyên bố một vùng tương tự trên Biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Trung Quốc thì thời điểm Bắc Kinh công khai tuyên bố vùng nhận dạng đó còn tùy thuộc vào tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh với các láng giềng.

Theo nguồn tin trên : « Nếu quân đội Mỹ tiếp tục có hành động khiêu khích nhằm thách thức chủ quyền Trung Quốc trong khu vực thì đó chính là cơ hội tốt để Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông ».

Bao trùm Hoàng Sa và 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa

Chuyên san quốc phòng Hán Hòa (tên tiếng Anh là Kanwa Defense Review), trụ sở Canada, cho biết nhiều thông tin cụ thể về quy mô vùng phòng không trên Biển Đông mà Bắc Kinh đã thiết kế, và thời điểm thông báo chính thức là một quyết định chính trị.

Theo Kanwa, vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc sẽ dựa vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, và quanh 7 đảo nhân tạo vừa được Trung Quốc bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia bình luận quân sự ở Thượng Hải, nói 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa đã tạo nền tảng để Trung Quốc lập vùng phòng không trên Biển Đông.

Theo ông Trương Nghị Hoằng (Andrei Chang), tổng biên tập chuyên san Kanwa : « Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông của Trung Quốc sẽ chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia »,
Nhật báo Hồng Kông đã đặt câu hỏi cho bộ Quốc Phòng Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông và đã được trả lời bằng văn bản rằng việc ban bố một vùng phòng không là « quyền của một quốc gia có chủ quyền ».

Về thời điểm thiết lập một vùng như vậy, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng xác định rằng điều đó tùy thuộc vào vấn đề « liệu Trung Quốc có phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ trên không hay không và mức độ đe dọa an toàn trên không thế nào ».

Giới quan sát đã nêu bật thái độ tiền hậu bất nhất của Trung Quốc. Theo báo mạng Philippines Rappler, nếu Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, thì đó sẽ là một sự quay ngoắt hoàn toàn với tuyên bố của bộ Ngoại Giao Trung Quốc năm 2014, theo đó Bắc Kinh không cần đến vùng phòng không tại Biển Đông.

Hoa Kỳ đã nhiều lần cho biết là sẽ không bao giờ công nhận một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Gần đây nhất, vào tháng Ba vừa qua, ông Robert Work, thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã lại nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận một vùng cấm tương tự trên Biển Đông như đã từng không công nhận vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông.

Trung Quốc từng thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp với Nhật Bản. Động thái này đã bị cả Mỹ, Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cực lực phản đối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.