Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - THỂ THAO

Với Trung Quốc, bóng đá cũng phải thống trị thế giới

Sau bóng bàn ở những năm 1970, nay chế độ Cộng Sản Trung Quốc muốn phát triển môn bóng đá thành một công cụ quyền lực mềm mới để chứng tỏ ưu thế toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn ưu tiên phát triển môn thể thao phổ cập nhất thế giới này nhằm mục đích giới thiệu với thế giới một bộ mặt thân thiện hơn của một nước Trung Quốc đang bị mang tiếng là hung hăng, bá quyền.  

Các cầu thủ CLB SIPG  của Thượng Hải mừng chiến thắng sau khi hạ đội Hàn Quốc Suwon Samsung Bluewings ngày 02/03/2016.
Các cầu thủ CLB SIPG của Thượng Hải mừng chiến thắng sau khi hạ đội Hàn Quốc Suwon Samsung Bluewings ngày 02/03/2016. AFP
Quảng cáo

Đó là nội dung của bài phóng sự dài của nhật báo le Figaro tựa đề : « Bóng đá, niềm đam mê mới của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc ». Những hiện tượng mới diễn ra gần đây trong làng bóng tròn Trung Quốc khiến cả thế giới giật mình. Đó là khuyến khích các câu lạc bộ tung tiền chiêu mộ hàng loạt các ngôi sao hàng đầu bóng đá thế giới về chơi ở trong nước, hay đặt mục tiêu đầy tham vọng đăng cai tổ chức Cúp thế giới và xa hơn nữa là bóng đá Trung Quốc một lần đăng quang ngôi vô địch thế giới.

Tác giả bài báo nhận thấy rõ ràng là Trung Quốc đã đổi từ chiến lược « ngoại giao bóng bàn » của những năm 1970 sang một cuộc chinh phục hành tinh bóng tròn, nhằm biến môn chơi này thành một thứ quyền lực mềm Trung Hoa. Bài báo nhắc lại sự kiện, năm 1971, bằng cách mời các vận động viên bóng bàn Mỹ sang thi đấu hữu nghị, chế độ của Mao Trạch Đông khi đó đã tạo tiền đề thoát khỏi thế cô lập với thế giới, mở đường cho chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Chuyến thăm đó đánh dấu điểm khởi đầu Trung Quốc trở lại trường quốc tế. Giờ đây Trung Quốc muốn sử dụng lại chiến lược này để thể hiện sức mạnh trên trường quốc tế nhưng lần này họ đặt cược lớn vào môn bóng tròn. Le Figaro ghi nhận : Tình yêu thể thao, uy tín quốc tế, công cụ của quyền lực mềm…. tất cả những thành tố hấp dẫn đó đã đưa Trung Quốc vào một vụ đầu tư ồn ào trong môn bóng tròn.

Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua vụ chuyển nhượng mùa đông cầu thủ bóng đá vừa kết thúc cuối tuần qua. Theo Le Figaro, các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc đã chi 331 triệu euro trong phiên chợ chuyển nhượng mùa đông vừa qua, đây là một kỷ lục tuyệt đối, ngay cả các làng bóng giàu có nhất hành tinh như Anh cũng chỉ dám chi 253 triệu euro. Với số tiền khổng lồ như vậy, làng bóng Trung Quốc đã kéo về hàng loạt cầu thủ hàng đầu thế giới đang chơi ở các câu lạc bộ danh tiếng và giầu có hàng đầu thế giới. Không chỉ các khoản tiền chuyển nhượng, các ngôi sao bóng đá thế giới về chơi ở Trung Quốc còn được trả mức lương không hề kém khí họ chơi ở các sân cỏ châu Âu.

Chỉ đạo phát triển bóng đá từ trung ương

Mặc dù bóng đá Trung Quốc giờ đây vẫn xếp thứ 93 trong bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển quốc gia mới duy nhất có một lần có mặt ở vào vòng chung kết Cúp thế giới (2002), nhưng ông Tập Cận Bình, một fan cuồng của bóng đá, vẫn đặt ưu tiên để bóng đá Trung Quốc phải thành công.

Năm ngoái, chính phủ đã ra một kế hoạch 50 điểm phát triển bóng đá, nhằm chủ yếu vào bóng đá trẻ. Theo Le Figaro, trong vòng 10 năm tới Trung Quốc sẽ phải có khoảng 50 nghìn học viện bóng đá cùng với việc phổ cập môn thể thao này vào trường học. Một trong các mục tiêu đặt ra là giải vô địch quốc gia Trung Quốc sẽ phải vươn lên ngang tầm với các giải ngoại hạng Anh, hay giải vô địch Tây Ban Nha. Một mục tiêu nữa đó là giành quyền đăng cai Cúp thế giới, chậm nhất là vào năm 2034.

Tác giả bài viết nhận định : « Môn bóng tròn nằm trong « giấc mơ Trung Hoa » vĩ đại của Tập Cận Bình. Với chủ tịch cũng như đa số người dân Trung Quốc, thành công hay thất bại của đội bóng trên sân cỏ chính là chỉ số về vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế. Được tổ chức Cúp thế giới là một công cụ « quyền lực mềm » giúp giới thiệu một bộ mặt thân thiện của Trung Quốc ra thế giới, trong khi mà nước này vẫn luôn bị cộng đồng quốc tế dè chừng ».

Ông Tập Cận Bình trao sứ mệnh đưa bóng đá lên hàng thống trị thế giới cho hẳn một ủy ban cấp cao của Đảng dưới sự điều hành của bà phó thủ tướng Lưu Diên Đông. Giao nhiệm vụ phát triển một môn thể thao cho một ủy viên Bộ Chính Trị là điều trước đây chưa từng có trong lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Về nguồn lực tài chính, ông Tập có thể dựa vào các ông chủ lớn mà thành công của họ vốn gắn liền với mối quan hệ với Đảng. Nhìn vào giải hạng nhất của Trung Quốc hiện nay, có tới 10 câu lạc bộ nằm trong tay các ông chủ đại tập đoàn đang làm ăn phát đạt của Trung Quốc và còn không ít các tỷ phú đỏ đang nhăm nhe mua lại các câu lạc bộ bóng đá lớn của châu Âu.

Mới đây huấn luyện viên Arsene Wenger của câu lạc bộ Anh Arsenal còn phát biểu rằng : « Trung Quốc dường như có đủ tiền để chuyển toàn bộ các giải vô địch châu Âu về Trung Quốc », hay thậm chí cựu huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Anh Sven-Goran Eriksson còn tiên đoán « có lẽ trong vòng 10 hay 15 năm tới, tôi tin là đội tuyển quốc gia Trung Quốc có thể tranh giành chiếc Cúp vô địch thế giới ». mặc dù vậy trên mạng xã hội, người hâm mộ bóng đá Trung Quốc vẫn không tin vào lời tiên đoán như vậy.

Khủng hoảng nhập cư :Châu Âu bất lực đổ lên vai gầy Hy Lạp

Chuyển sang thời sự nóng của châu Âu, chủ đề di dân tị nạn. Châu Âu hoàn toàn bất lực đã đổ gánh nặng khủng hoảng nhập cư cho Hy Lạp. Nhật báo Le Monde cũng như Le Figaro đều chạy hàng tựa gần như đồng nhất : « Người tị nạn : Hy Lạp bên bờ hỗn loạn ».

Hàng chục nghìn người tị nạn hiện đang bị kẹt lại Hy Lạp sau khi hàng loạt các nước trên tuyến đường Balkan qua Tây Âu quyết định đóng cửa biên giới từ 10 ngày qua. Le Monde ghi nhận tình hình trở nên cực kỳ căng thẳng tại biên giới với Macedonia, nơi hàng trăm di dân tìm cách phá hàng rào để vượt qua biên giới và dẫn đến đụng độ với lực lượng giữ gìn trật tự. Trong khi đó hàng đoàn hàng chục nghìn người tị nạn từ Syria đang lang thang khắp nơi trong Hy Lạp không biết đi về đâu.

Chính phủ Hy Lạp dự trù sẽ có khoảng 50 đến 70 nghìn người nhập cư bị dồn ứ lại tại Hy Lạp trong tháng Ba nếu như tình hình này vẫn còn kéo dài. Là nước đứng mũi chịu sào trong cuộc khủng hoảng di dân này, Hy Lạp giờ bị quá tải mọi phương diện. Athens đề nghị Ủy Ban Châu Âu viện trợ ít nhất 450 triệu euro để có thể lập thêm 4 khu trại cho người tị nạn tạm trú. Hôm nay Bruxelles họp và quyết định viện trợ khẩn cấp theo yêu cầu của Hy Lạp.

Trong khi đó báo Libération nhìn thấy ở cuộc khủng hoảng di dân một châu Âu tan rã. Mục Ý kiến của báo có bài viết « Kết cục của châu Âu : Trách nhiệm của Pháp » của tác giả Etienne Balibar, một triết gia Pháp. Theo bài viết thì cuộc khủng hoảng di dân tị nạn hiện nay là dấu hiệu thất bại của dự án châu Âu, của tinh thần đoàn kết và của dân chủ. Nước Pháp góp phần trong thất bại này.

Tiếp tục với Libération, mối quan tâm chính của tờ báo lại là một kịch bản thảm họa thiên tai có thể xảy ra trong tương lai với câu hỏi lớn trên trang nhất : Paris liệu có bị nhấn chìm ? với hình ảnh ghép cảnh cả thủ đô Pháp chìm trong biển nước, còn lại chỉ có một phần tháp Eiffel nhô lên trên.

Theo tờ báo thì sẽ có ngày một trận lũ thế kỷ sẽ xảy ra nhưng Paris và vùng phụ cận không sẵn sàng để đối phó với những trận lụt kỷ lục. Chính vì thế mà từ thứ Hai tuần tới, thủ đô Pháp tiến hành các bài diễn tập giả định với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhằm đối phó hay ít nhất cũng là giảm thiểu thiệt hại nếu Paris gặp nạn hồng thủy.

Điều kỳ diệu của cây cỏ cuốn hút khám phá khoa học

Chúng ta đã được nghe nói có những loài cây cỏ báo trước được động đất, có loài cây biết trao đổi thông tin với nhau hay lưu giữ thông tin, biết thích ứng với các tình huống xấu của môi trường sống….những điều kỳ diệu trong thiên nhiên cây cỏ không thiếu nhưng giờ đây đang gợi nguồn cảm hứng nghiên cứu cho các nhà khoa học.

Phụ trang khoa học báo Le Monde dành để giới thiệp những phát hiện đáng kinh ngạc của « thần kinh sinh học » thực vật.

Các nhà sinh học thực vật trong hàng chục năm qua sát nghiên cứu đã rút ra kết luận là chắc chắn các loài cây cỏ cũng có khả năng giao tiếp với nhau, một tính năng mà người ta vẫn nghĩ chỉ có ở loài động vật. Cây cỏ có thể giao tiếp với nhau, hoặc với các loài côn trùng, chúng còn có thể « gọi » mưa , đối phó khi bị tấn công, báo động với cây bên cạnh trong trường hợp gặp nguy hiểm, lưu giữ các sự kiện trong bộ nhơ và phát hiện gây ngạc nhiên với các nhà khoa học nữa đó là cây cỏ có khả năng phát đi những tín hiệu điện bí ẩn.

Một thí dụ được Le Monde dẫn ra đó là phát hiện vào năm 1990. Khi đó nhà sinh học Nam Phi Wouter Van Hoven chứng minh được rằng chính những cây keo (acacias) là thủ phạm đã giết chết 3000 con linh dương trong vùng ! Nguyên do là các cây keo acacia đã biết sản xuất nhiều chất tanin làm ngộ độc các động vật ăn lá cây, khi đó đang rất đông, có nguy cơ đe dọa sự sinh tồn của loài cây này. Các cành gẫy của cây keo acacia tỏa ra một chất khí để báo trước cho các cây khác nguy hiểm đang đến. Cây nhận được tín hiệu này sẽ khởi động hệ thống tự vệ tăng cường sản sinh ra độc tố tanin trước khi loài linh dương tới.

Bài báo còn đưa ra rất nhiều thí dụ khác về khả năng kỳ diệu của loài thực vật đang được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và tìm ra những phát hiện thú vị. Có một câu hỏi lớn đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu là tuổi thọ của thực vật. Rõ ràng thực vật có tuổi thọ lớn hơn động vật rất nhiều, nguyên nhân vì đâu và tại sao sẽ là những câu hỏi lý thú để các nhà khoa học khám phá bí mật của tự nhiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.