Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Kinh tế Trung Quốc gây quan ngại ngày càng nhiều

Khi nền kinh tế thứ hai thế giới khựng lại, kinh tế toàn cầu cũng sẽ lao đao theo. Tình trạng “sức khoẻ” của kinh tế Trung Quốc đang gây lo ngại ngày càng nhiều cho thế giới, mà biểu hiện mới nhất là cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s hôm nay, 02/03/2016, vừa hạ mức đánh giá triển vọng các trái phiếu chính phủ của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “ tiêu cực”. 

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong tháng 2/2016.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong tháng 2/2016. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Qua việc hạ mức đánh giá như trên, cơ quan này báo động về mức nợ công ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc và cũng qua đó bày tỏ thái độ nghi ngờ về khả năng của Bắc Kinh tiến hành các cải tổ kinh tế cần thiết.

Theo dự đoán của Moody’s, việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ khiến cho nợ của các ngân hàng đầu tư công tăng lên, bởi vì chính quyền sẽ càng thúc đẩy đầu tư để kích thích nền kinh tế. Việc cơ quan này hạ mức đánh giá triển vọng tín dụng từ “ổn định” xuống “tiêu cực” có nghĩa là trong trung hạn, khả năng hạ điểm tín nhiệm về nợ công của Trung Quốc sẽ càng lớn. Nếu điểm tín nhiệm này bị hạ bậc, thì khi vay tiền trên các thị trường quốc tế, Trung Quốc sẽ phải chịu những lãi suất cao hơn. Theo thẩm định của Moody’s, nợ công của Trung Quốc tính đến cuối năm 2015 đã lên đến 40,6% GDP, so với mức 32,5% vào năm 2012.

Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt mức 6,9%, mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ qua, gây lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế. Vấn đề là theo cơ quan Moody’s, các biện pháp tài chính và tiền tệ nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà chính phủ đề ra ( 6,5% cho năm 2016 ) có thể làm chậm lại các biện pháp cải tổ đang được chờ đợi. Mà không thực hiện nhanh chóng các cải tổ kinh tế, thì mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn chậm hơn nữa, bởi vì gánh nặng nợ nần quá cao sẽ hạn chế đầu tư của các công ty và tình hình dân số của nước này cũng ngày càng bất lợi cho phát triển kinh tế.

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, cao nhất thế giới hiện nay, đã giảm xuống còn 3.200 tỷ đôla trong tháng Giêng vừa qua, mức thấp nhất từ tháng 05/2012, theo các số liệu chính thức. Theo nhận định của Moody’s, áp lực lên lãi suất và việc bớt tin tưởng vào khả năng của chính phủ Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện các cải cách có thể khiến vốn đầu tư rút ra khỏi kinh tế Trung Quốc càng nhiều hơn.

Một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới tiếp tục mất đà, đó là hoạt động sản xuất ở Trung Quốc trong tháng 2 vừa qua đã sụt giảm mạnh. Chỉ số PMI trong tháng 2, theo tính toán của Cục thống kê quốc gia, đã sụt xuống còn 49,0, mức thấp nhất từ tháng 11/2011, tức là từ hơn 4 năm nay.

Chính phủ Bắc Kinh hiện đang tìm cách cân đối lại nền kinh tế, dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, vào ngành dịch vụ và phát triển công nghệ, giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, nhưng quá trình chuyển tiếp gặp nhiều khó khăn và trước mắt, tình trạng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại gây lo ngại ngày càng nhiều cho giới đầu tư.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.