Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - PHÁP - BÁO CHÍ

Trung Quốc xác nhận sắp trục xuất phóng viên Pháp

Thông cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc đề ngày 26/12/2015 tố cáo thông tín viên Pháp của tuần báo L’Obs, Ursula Gauthier, « bảo vệ trắng trợn » các hành vi khủng bố. Vì lý do này, bà Gauthier sắp bị trục xuất.

Thông tín viên Pháp của tuần báo L’Obs, Ursula Gauthier, bị Bắc Kinh cáo buộc "bảo vệ trắng trợn" các hành vi khủng bố. Ảnh chụp từ màn hình đài truyền hình France 24.
Thông tín viên Pháp của tuần báo L’Obs, Ursula Gauthier, bị Bắc Kinh cáo buộc "bảo vệ trắng trợn" các hành vi khủng bố. Ảnh chụp từ màn hình đài truyền hình France 24. France 24
Quảng cáo

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thông cáo vừa công bố trên trang mạng nhấn mạnh : bà Ursula Gauthier đã « bảo vệ một cách trắng trợn những hành vi khủng bố và các vụ sát hại người vô tội một cách dã man. Điều đó đã khiến nhân dân Trung Quốc phẫn nộ ». Phía Bắc Kinh cho biết thêm : do không lên tiếng xin lỗi nhân dân Trung Quốc, sự hiện diện của phóng viên Pháp tại Trung Quốc là điều « không phù hợp (…) Trung Quốc không bao giờ ủng hộ quyền tự do bảo vệ khủng bố ».

Thông cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi ký giả người Pháp từ chối « công khai xin lỗi » về bài viết của bà chỉ trích Bắc Kinh đàn áp vùng tự trị Tân Cương.

Chính quyền Trung Quốc từ chối triển hạn giấy phép hành nghề cho bà Ursula Gauthier. Điều đó cũng có nghĩa là visa của phóng viên làm việc cho tuần báo L’Obs cũng không được gia hạn. Quyết định của chính quyền Bắc Kinh tương đương với việc trục xuất phóng viên Pháp cho dù bà đã là thông tín viên thường trực của L’Obs tại Bắc Kinh từ 6 năm qua.

Về phần nhà báo Ursula Gauthier, bà khẳng định rõ lập trường : không có chuyện xin lỗi chính quyền Bắc Kinh khi bà làm công việc đưa tin.

Trong bài báo đăng trên tạp chí L’Obs hôm 18/11/2015, vài ngày sau loạt khủng bố Paris, tác giả ghi nhận : Bắc Kinh có hậu ý khi lên tiếng tỏ tình liên đới với Pháp. Theo phóng viên Ursula Gauthier, chính quyền Trung Quốc nhân danh cuộc chiến chống khủng bố để gia tăng đàn áp trong vùng tự trị Tân Cương. Các hành vi đó nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.