Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - CHÍNH TRỊ

Aung San Suu Kyi tạo dựng dấu ấn riêng tại Miến Điện

Sau chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện ngày 08/11/2015, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) đang tạo dựng vị thế, dấu ấn riêng của bà tại Miến Điện. Đó là chủ đề của bài viết đăng trên báo Le Monde, số ra ngày 26/12/2015, có tựa đề : « Aung San Suu Kyi tạo dựng dấu ấn riêng tại Miến Điện ».

Ngày 13/12, cùng với các thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và một số tình nguyện viên, nữ Thủ tướng tương lai đã nhặt rác tại khu vực Kawhmu.
Ngày 13/12, cùng với các thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và một số tình nguyện viên, nữ Thủ tướng tương lai đã nhặt rác tại khu vực Kawhmu. REUTERS/Hong Sar
Quảng cáo

Bà Aung San Suu Kyi, từng đoạt giải Nobel vì hòa bình năm 1991, sẽ đứng đầu chính phủ vào đầu năm 2016. Ngày 13/12, cùng với các thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và một số tình nguyện viên, nữ Thủ tướng tương lai đã nhặt rác tại khu vực Kawhmu.

Miến Điện đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập rác thải, đó là vì thiếu các thùng rác thông dụng và bãi rác công cộng. Bà còn thúc giục các nhiếp ảnh gia đi cùng : « Nếu các bạn không hài lòng với những bức ảnh đã chụp, vậy thì hãy giúp chúng tôi nhặt rác! »

Vị lãnh đạo tương lai của Miến Điện đã đề cao những đức tính kỷ luật và nghiêm khắc với Đảng bà đang cầm quyền. Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu các đại biểu tham gia các lớp học đặc biệt, tại đây họ được dạy những vấn đề phức tạp xung quanh quốc hội và các hoạt động của cả hai viện.

Chiến thắng của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ để lại nhiều ấn tượng và đặt dấu chấm hết cho 60 năm cầm quyền của chế độ quân sự tại Miến Điện. Đảng này đã giành khoảng 80% số ghế tại quốc hội (chiếm 360 trong số 664 ghế) tại Hạ viện và Thượng viện. Giới quân sự đương nhiên vẫn giữ một phần tư số ghế theo Hiến pháp hiện hành.

Mã Vân, người hùng dân tộc và bạn thân của chính quyền

Về thời sự Trung Quốc, trong bài viết có tựa : « Mã Vân, ông chủ các trang mạng xã hội », nhật báo Le Monde nhận định : Người sáng tạo trang thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba là người hùng của dân tộc và cũng là người thân cận của nhà cầm quyền.

Ông Lỗ Vĩ (Lu Wei), lãnh đạo việc tuyên truyền trên mạng của Trung Quốc, từng phát biểu tại Hội thảo quốc tế về an ninh mạng : « Nếu người nào muốn lập một trang mạng tại Trung Quốc, cần phải chấp nhận sự kiểm duyệt ». Trong khi Trung Quốc là một quốc gia bị kiểm duyệt khá gắt gao về an ninh mạng, thì ông Mã Vân đã tạo ra trang thương mại điện tử cho công dân Trung Quốc. Trang mạng này thu hút đến 700 triệu người sử dụng.

Nhiều nhà chính trị nước ngoài bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tài năng của ông Mã Vân. Tổng thống Pháp François Hollande từng khen ngợi ông Mã Vân tại Bắc Kinh : « Tôi chỉ tiếc rằng ông không phải là giáo viên dạy tiếng Pháp. Vì nếu vậy, ông sẽ là cố vấn của chính phủ Pháp ». Còn Thủ tướng Anh David Camaron cũng bày tỏ : « Chính phủ Anh Quốc mong muốn nhận được các ý tưởng của ông Mã ».

Tuy nhiên, Mã Vân được xem là có quan hệ khá thân thiết với các nhà cầm quyền Trung Quốc. Năm 2012, Alibaba đã nâng vốn đầu tư cần thiết để nhanh chóng mua lại cổ phần do Yahoo nắm giữ. Tập đoàn này đã nhận hai nguồn vốn đầu tư từ Tập đoàn New Horizon, nằm dưới sự quản lý của ông Ôn Vân Tùng, con trai của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, và Công ty Boyu Capital, trong đó một đối tác của công ty này là con trai của Phó Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Theo ông Willy Lam, chuyên gia khoa học chính trị trường Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, cho biết : « Ông Mã Vân là người thân cận của các nhà lãnh đạo Đảng. Chính vì vậy mà Alibaba giữ vai trò độc quyền trong lĩnh vực mạng ». Qua đó cho thấy tài năng của Mã Vân, vừa là anh hùng của dân tộc vừa là bạn thân của chính quyền.

Được thành lập vào năm 1999 cùng với 17 người bạn và đồng nghiệp cũ, trang thương mại điện tử Alibaba đã trở thành trang thương mại điện tử đứng đầu thế giới.

Tổng thống Pháp François Hollande chuẩn bị cải tổ chính phủ vào đầu năm 2016

Về tình hình chính trị châu Âu, Le Figaro đề cập đến việc Tổng thống Pháp François Hollande chuẩn bị cải tổ chính phủ vào cuối tháng Giêng năm 2016. Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 13/11/2015, việc cải tổ chính phủ đang là vấn đề được xem xét.

Nhiều người thân cận với Tổng thống cho biết ông François Hollande có thể sẽ cải tổ lại đội ngũ làm việc trong Chính phủ vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng Hai năm 2016, sau các nghi lễ tưởng niệm vụ khủng bố xảy ra hồi tháng 01/2014.

Nhiều giả thuyết được đặt ra. Trước hết là Bộ trưởng Quốc phòng, Jean-Yves Le Drian sẽ ra đi, tiếp theo là khả năng bổ nhiệm ông Laurent Fabius, Bộ trưởng Ngoại giao hiện nay, vào Hội Đồng Bảo Hiến. Tuy nhiên, khả năng thứ nhất bị hủy bỏ từ ngày 13/12/2015, còn khả năng thứ hai vẫn đang là điều bí ẩn. Chỉ có một điều chắc chắn đó là sự ra đi của bà Sylvia Pinel, bộ trưởng Bộ Nhà ở, Bình đẳng vùng lãnh thổ và Chính sách Nông thôn.

Bên cạnh đó, Tổng thống François Hollande có thể sẽ lập lại một danh sách mới mà theo nhiều nguồn tin thân cận với Tổng thống, ông Hollande tỏ vẻ lo lắng trong việc tìm kiếm những gương mặt mới và những tên tuối mới, bắt nguồn từ xã hội dân sự.

Quá trình toàn cầu hóa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech)

Sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, tổ chức Nhà nước Hồi giáo trở thành một hiện tượng vừa có quy mô toàn cầu vừa có quy mô khu vực. Được thành lập tại Irak, lực lượng thánh chiến trở thành tổ chức nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.

Nhật báo Le Monde, trong bài : « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo toàn cầu hóa như thế nào ? », nhận định : « Daech không phải là một Al Qaida mới, mà là một loài virus đột biến. Mỗi lần người ta tưởng đã loại bỏ được, thì nó lại hồi sinh và tăng khả năng thích nghi với môi trường hơn ».

Thực vậy, nếu như đầu năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn còn xem nhẹ tổ chức Daech là « một nhóm thay thế » Al Qaida, thì với loạt tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã bỏ xa Al Qaida để trở thành một tổ chức toàn cầu.

Trong suốt hai trang báo, Le Monde phân tích chi tiết quá trình hình thành và phát triển của lưc lượng vũ trang tiền thân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo hiện nay. Tổ chức khủng bố này được thành lập vào những năm 2006-2007, chỉ vài tháng sau khi Abou Moussab Al-Zarkaoui bị giết chết. Nhân vật người Jordani gốc Palestin được coi là cha đẻ của tổ chức khủng bố này.

Từ những bước đầu chật vật và mờ nhạt trong những năm 1993, khi quân đội Nga rút khỏi Afghanistan, Zarkaoui quay về Jordani và bị bắt vào năm 1994, trước khi định ra tay thực hiện các âm mưu khủng bố. Chính trong thời gian sống trong tù mà hắn đã trở nên cực đoan hơn. Năm 1999, ngay sau khi được nhà vua trẻ Jordani Abdallah, mới lên ngôi, ân xá, Zarkaoui quay lại Afghanistan và gặp Ben Laden.

Hai kẻ này tỏ ra tâm đầu ý hợp: Ben Laden luôn chỉ nghĩ đến việc tấn công nước Mỹ và thực hiện các dự án khủng bố trên thế giới, còn Zarkaoui thì chỉ muốn tiến hành chiến tranh ngay lập tức tại Cận Đông

Sau loạt khủng bố tại Mỹ ngày 11/09/2001, cũng như phần lớn đầu não của Al Qaida, Zarkaoui cũng « bốc hơi » và chuyển sang hoạt động tại Iran, dưới sự bảo trợ của Gulbuddin Hekmatyar. Vào thời điểm này, kẻ thù chính của Iran là Hoa Kỳ và quốc gia Hồi giáo này không ngần ngại chứa chấp kẻ dám đứng ra đối đầu với Mỹ, dù hoàn toàn nắm rõ lý lịch thánh chiến của hắn.

Phải nói rằng, Zarkaoui biết tận dụng triệt để những tính toán vụ lợi và những bất đồng giữa các quốc gia muốn dùng tổ chức khủng bố để chống lại kẻ thù thứ ba. Vì vậy, Zarkaoui thoải mái di chuyển từ Iran, sang Liban hay Syria.

Sau khi ra lệnh sát hại nhà ngoại giao Mỹ Lawrence Foley vào năm 2002 tại Amman (Jordani), Zarkaoui cùng lực lượng tiền thân Daech rút lui vào các khu vực hẻo lánh, không luật pháp, trong đó có cả vùng đất Irak của người Kurdistan. Cuộc tấn công Irak nhân danh « cuộc chiến chống khủng bố » của quân đội Mỹ là cơ hội tạo tiếng vang cho lực lượng thánh chiến còn mới phôi thai của Abou Moussab Al Zarkaoui.

Trong năm 2003, cha đẻ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo để lại dấu ấn với ba cuộc ám sát khủng bố, lần lượt nhằm vào sứ quán của Jordani, trụ sở đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Bagdad buộc tổ chức này rời khỏi Irak và vụ ám sát Mohamed Bakr Al Hakim, lãnh tụ chính trị và tôn giáo dòng Shia, vừa mới từ Iran trở về. Sau này, chính Tổng thống Syria Bachar Al Assad, cũng cảm thấy có nguy cơ bị quân đội Mỹ tấn công, đã để cho các chiến binh nước ngoài chạy sang Irak và mật vụ Syria đã « bắt tay » với lực lượng Daech cho tới năm 2009.

Sự lớn mạnh của lực lượng thánh chiến tại Irak do Zarkaoui đứng đầu khiến Ben Laden phải thán phục và chấp nhận coi đó là một chi nhánh của Al Qaida tại Irak vào tháng 12/2004. Trái ngược với tổ chức Al Qaida tại Afghanistan và Pakistan, tổ chức do Zarkaoui đứng đầu giầu kinh nghiệm quản lý hơn nhờ những cựu sĩ quan của lực lượng tình báo Irak, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn tài chính từ nhiều nhà tài phiệt vùng Vịnh và sự ủng hộ của người dân một số khu vực.

Sau khi cha đẻ của Daech bị chết trong một trận oanh kích của Mỹ, một nhân vật khác Abou Ayoub Al Marsi, người Ai Cập, được chỉ định thay thế. Tuy nhiên, lãnh tụ mới này vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của một thể chế mới, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Irak do một người Irak đứng đầu, Abou Omar Al Baghdadi. Nhân vật này cũng bị hạ sát vào năm 2010.

Cuối năm 2011, người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Irak. Trong khi đó, Syria lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột giữa các phe phái. Ngay tháng 01/2012, Mặt trận Al Nosra được thành lập để bảo vệ đa số người Sunni bị thiểu số theo hệ phái Alaouite của Tổng thống Al Assad đàn áp.

Vào mùa xuân năm 2013, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông (viết tắt là Daech) chính thức được thành lập, dù thủ lĩnh của Mặt trận Al Nosra từ chối gia nhập và tiếp tục trung thành với Al Qaida. Từ thời điểm này, tổ chức tách dần khỏi cái bóng của Al Qaida và « cắm rễ » trong khu vực và không ngừng bành trướng.

Daech hiểu rằng muốn tổ chức các cuộc tấn công khủng bố có quy mô lớn như Ben Laden từng mong muốn, thì chỉ có cách tuyển tân binh nước phương Tây gốc Ả Rập để huấn luyện họ tiến hành tấn công những địa điểm tại Châu Âu không mấy khó khăn và không tốn kém, như trường học, nhà thờ…

Chính vì vậy, Daech đã thành công trong việc chiêu mộ chiến binh thánh chiến là người Châu Âu gốc Ả Rập. Trong vụ tấn công thảm sát tại Paris, họ là những thanh niên người Bỉ và Pháp, gốc Bắc Phi, lớn lên ở những vùng ngoại ô Paris và Bruxelles, tự cực đoan nhờ internet hay thông qua các mạng lưới bạn bè. Sau đó, họ gia nhập hàng ngũ thánh chiến tại Syria. Tại đây, họ được huấn luyện, được củng cố niềm tin trước khi được đưa trở lại nơi họ từng sinh sống để tiến hành khủng bố.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.