Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU Á - TỰ DO

Trung Quốc thả một nhà báo sau 9 tháng giam giữ

Trung Quốc hôm nay 10/07/2015 đã trả tự do cho một nữ nhà báo sau 9 tháng giam giữ. Người này bị bắt giữ vì đã giúp một tạp chí của Đức đưa tin phản ánh các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Đích thân nạn nhân đã thông báo cho hãng tin AFP biết.

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông ngày 11/12/2014.
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông ngày 11/12/2014. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Cô Trương Mạc (Zhang Miao) từng là cộng tác viên của tuần báo Đức Die Zeit. Cô bị bắt giữ hồi tháng 10/2014 tại Bắc Kinh, sau khi tham gia đưa tin phong trào đấu tranh đòi dân chủ tại Hồng Kông gây tê liệt khu cựu thuộc địa của Anh.

Sự kiện cô bị bắt giam đã gây xúc động cho công luận, đồng thời phản ánh rõ những mối nguy hiểm mà các « trợ lý » mang quốc tịch Trung Quốc làm việc cho các cơ quan truyền thông nước ngoài phải gánh chịu. Hơn nữa, họ cũng thường xuyên bị chính quyền quấy rối. Trong cuộc trao đổi qua điện thoại từ một xe buýt công cộng sau khi được trả tự do, cô Trương khẳng định với AFP là « an toàn » và đang trên đường về nhà.

Nhưng em trai cô, cùng với một người thân của gia đình, cho AFP biết là luật sư của cô Trương, ông Chu Thế Phong (Zhou Shifeng), vừa bị công an bắt giữ. Người bạn của gia đình là người chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra tại một khách sạn ở Bắc Kinh. Theo lời kể của ông, ba người lạ mặt đã tới chất vấn luật sư Chu (ngay sáng nay), sau đó họ trùm kín đầu vị luật sư và áp giải ông đi.

Tháng Giêng năm nay, bà Angela Koeckritz, nguyên là thông tín viên của tờ Die Zeit tại Bắc Kinh, đã thông báo rời Trung Quốc, do bị chính quyền liên tục gây sức ép và chất vấn nhiều lần từ khi cô Trương Mạc bị bắt. Tại thời điểm đó, khoảng vài chục người đã bị bắt giam trên toàn lãnh thổ Trung Quốc do thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình Hồng Kông. Cũng như cô Trương, họ đều bị buộc tội « gây rối trật tự và kích động bạo loạn ».

Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ báo chí địa phương và cấm các cơ quan truyền thông nước ngoài tuyển công dân Trung Quốc làm nhà báo. Những người này chỉ được cho phép làm « trợ lý » đưa tin tức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.