Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Aung San Suu Kyi vẫn kiên trì ở tuổi 70

Nhà đối lập Miến Điện Aug San Suu Kyi đã dành hết cuộc đời để tranh đấu cho tự do dân chủ. Bước vào tuổi 70, bà vẫn cố gắng « bứng » đi « chốt cản » sau cùng do chế độ quân phiệt tạo ra để ngăn chặn người phụ nữ dũng cảm này nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi nói chuyện với những người ủng hộ trong một chuyến thăm thị trấn Mawlamyaing, tại bang Mon, ngày 16/05/2015.
Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi nói chuyện với những người ủng hộ trong một chuyến thăm thị trấn Mawlamyaing, tại bang Mon, ngày 16/05/2015. REUTERS/Soe Zeya Tun/Files
Quảng cáo

Chính trường Miến Điện đang nóng dần với lịch trình bầu cử quốc hội vào tháng 11 mà tổ chức đối lập Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ được xem là sẽ thắng lớn. Tuy nhiên, cao vọng của lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Nobel Hòa bình 1991, làm tổng thống bị Hiến pháp, do chính quyền quân sư để lại, ngăn chặn.

Tuổi đời và chiến dịch vận động sửa đổi Hiến pháp càng trở nên khẩn cấp.

Hôm nay 19/06/2015, ngày sinh nhật lần thứ 70 của bà Aung san Suu Kyi. Giới bình luận chính trị không dám đánh cược vào khả năng làm lay chuyển thời thế của người phụ nữ thần tượng của phong trào dân chủ Miến Điện và của nhiều dân tộc khác đang bị áp bức.

Chuyên gia Mael Raynaud, nguyên là cố vấn của chính quyền Thein Sein, nhận định và nêu lên hai ẩn số : Sự kiện tuổi đời chồng chất là thêm một lý do thúc đẩy quyết tâm của Aung San Suu Kyi phải làm thay đổi bản Hiến pháp hiện hành trước bầu cử…2020 để có thể làm tổng thống.

Tuy nhiên, liệu khi đến tuổi 75, bà có còn sức khỏe để tham gia tranh cử hay không ? Ẩn số thứ hai là vào thời điểm đó, chế độ chính trị này có đủ biến đổi để bỏ đi điều khoản Hiến pháp cấm công dân có người phối ngẫu mang quốc tịch nước ngoài làm nguyên thủ quốc gia ?

Bà Aung San Suu Kyi vẫn thường lấy trường hợp Nelson Mandela, nhà lãnh đạo Nam Phi quá cố, để bác bỏ những quan điểm bi quan : lãnh đạo đối lập Nam Phi, sau hơn 30 năm tù, tuyên thệ nhậm chức tổng thống khi đã 75 tuổi.

Bà Aung San Suu Kyi cũng trải qua 17 năm tù và quản chế. Cả hai đều không chấp nhận hình ảnh « thánh nhân » mà công luận kính mến trao tặng.

Tuy nhiên, theo giáo sư Renaud Egreteau, trong trường hợp Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đối lập Miến Điện ngoài tuổi cao, uy thế lãnh đạo của bà còn bị hiện tượng mà giới phân tích gọi là « tác hại do thời gian » « những sai lầm chính trị » khó tránh khỏi.

Trong cuộc đua đường trường nhắm chiếc ghế nguyên thủ quốc gia, bà Aung San Suu Kyi đã biết tránh những lời tuyên bố bốc lửa, không đúng lúc.

Dần dần, ngôi sao thần tượng của tranh đấu dân chủ lột xác để trở thành một nhà chính trị mưu lược, thay vì đụng độ vô ích với các tướng lãnh, bà tìm cách giúp họ chuyển hóa một cách nhẹ nhàng.

Hôm nay, tại thủ đô chính trị Naypyidaw, dân biểu đối lập Aung San Suu Kyi tổ chức sinh nhật 70 tuổi. Chủ nhật tới, lãnh đạo đối lập sẽ về Rangun và đọc diễn văn trước hàng trăm thành viên nòng cốt của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ.

Sáng nay, nhiều vị tăng sĩ đã đến trước trụ sở của đối lập để nhận quà cúng dường và cầu nguyện gia ân phước lành cho lãnh đạo đối lập .

Tuy bị quốc tế chỉ trích vì thái độ lãnh đạm đối với thảm cảnh của sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi, nhưng tại một quốc gia Phật giáo như Miến Điện, uy tín của bà vẫn còn cao. Ngoài giải thưởng Nobel Hòa bình, bà còn được đông đảo dân chúng mến mộ vì là con gái của anh hùng dân tộc Aung San.

Tuy bị không ít người phê bình nhược điểm không chọn một nhân vật mới để nối nghiệp ,nhưng theo Peter Popham, người được tin cậy mời viết tiểu sử, trong hàng ngũ đối lập, không có một người nào « tương xứng » để chọn.

AFP dự đoán, vì không có người kế nghiệp, bà Aung San Suu Kyi có lẽ sẽ bầu cho một nhân vật « cải cách ôn hòa » trong hàng ngũ quân nhân làm tổng thống.

Đó là trong trường hợp phe quân đội, được Hiến pháp bảo đảm dành riêng 25% ghế dân biểu, duy trì được đa số trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này.

Còn theo bà Aung San Suu Kyi : « Không ai tiên liệu được chuyện tương lai, chúng tôi bắt buộc phải dự kiến mọi tình huống ».

Trung Quốc cũng biết chắc là bà Aung san Suu Kyi sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chính trường sau bầu cử 11/2015. Đó là lý do Bắc Kinh mời lãnh đạo đối lập nước láng giềng sang thăm hồi đầu tháng này như một lãnh đạo quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.