Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á

Đông Nam Á : Vô địch xóa đói

Trong bản báo cáo về Tình trạng thiếu ăn trên thế giới năm 2013 - The State of Food Insecurity in the World (SOFI 2013) – công bố ngày 01/10/2013, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO đã nêu bật vùng Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ người bị đói tuột giảm nhanh nhất trong vòng hơn hai chục năm nay. Còn khu vực kém cỏi nhất vẫn là vùng Châu Phi phía dưới sa mạc Sahara.

Quầy bán rau củ tại một ngôi chợ ở Colombo ngày 07/06/2013. Sri Lanka, thuộc vùng Nam Á, nơi tỷ lệ người bị đói vẫn rất cao.
Quầy bán rau củ tại một ngôi chợ ở Colombo ngày 07/06/2013. Sri Lanka, thuộc vùng Nam Á, nơi tỷ lệ người bị đói vẫn rất cao. REUTERS/Dinuka Liyanawatte
Quảng cáo

Theo Cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc, số người bị đói trên thế giới đã giảm bớt, hiện nay cứ tám người, chỉ còn một người bị đói. Thế nhưng tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn là một vấn đề quan trọng ở hai khu vực : Châu Phi phía dưới sa mạc Sahara và Nam Á.

Một cách cụ thể, trong giai đoạn 2011 đến 2013, trên toàn cầu, 842 triệu người – 12% dân số thế giới – vẫn không có đủ thức ăn để đảm bảo một cuộc sống năng động và khỏe mạnh, ít hơn một chút so với con số 868 triệu người thiếu ăn trong giai đoạn 2010-2012.

Báo cáo của Tổ chức FAO thẩm định : « Khoảng một trên tám người trên thế giới được cho là bị nạn đói triền miên » trong giai đoạn 2011-2013. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc xác nhận : « Châu Phi vẫn là khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất, với hơn một trên năm người bị coi là suy dinh dưỡng ».

Mối quan ngại là cho dù nhìn tổng thể, tình trạng thiếu đói có lùi bước, nhưng vẫn còn rất nhiều chênh lệch giữa các vùng khác nhau.

Khu vực Châu Phi phía dưới sa mạc Sahara là nơi xóa đói kém cỏi nhất hành tinh, cho dù đã có một vài cải thiện trong hơn hai thập kỷ qua, với tỷ lệ người bị đói giảm từ 32,7% xuống còn 24,8%. Hai khu vực Nam Á và Bắc Phi cũng tiến bộ rất chậm.

Ngược lại, theo FAO, tỷ lệ người bị đói đã giảm đáng kể ở Châu Mỹ Latinh và ở vùng Đông Á. Tốc độ xóa đói nhanh nhất được ghi nhận ở Đông Nam Á, nơi mà từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ người bị đói đã giảm từ 31,1% đến 10,7%.

Ngoài ra, báo cáo SOFI 2013 còn cho thấy là khu vực Tây Á hầu như không có tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng. Vùng này có ít người bị đói hơn ở các nơi khác ở châu Á, nhưng mức độ suy dinh dưỡng đã tăng lên đều đặn kể từ giai đoạn 1990-1992 đến nay.

Theo thẩm định chung của FAO, những nước bị chiến tranh trong hai thập kỷ qua có dấu hiệu bị trở ngại đáng kể trong việc xóa đói, còn các quốc gia không có ngõ ra biển thì phải đối mặt với những thách thức dai dẳng trong việc tiếp cận thị trường thế giới, trong lúc các nước có cơ sở hạ tầng và tổ chức yếu kém phải đối mặt với những khó khăn khác.

Mục tiêu Thiên niên kỷ trong tầm tay

Theo báo cáo của FAO, trong hai thập niên, từ 1990-1992 đến 2011-2013, số người bị đói ăn trên thế giới đã giảm từ 24% xuống còn 14%. Các mục tiêu Thiên niên kỷ mà Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2000, giảm một nừa số người thiếu ăn tại các nước đang phát triển vào năm 2015, vẫn có thể đạt được, đặc biệt là Châu Á.

Việc cải thiện điều kiện tiếp cận với lương thực đi kèm với đẩy lùi tình trạng nghèo khó (có thu nhập dưới 1,25 đô la mỗi ngày) : Từ năm 1990 đến 2008, tỷ lệ người nghèo khó ở toàn bộ các nước đang phát triển đã giảm từ 47% xuống còn 24%, theo số liệu thống kê của FAO.

Vẫn theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, tại những nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, như ngũ cốc, việc cung ứng lương thực cho người dân không ổn định. Điều gây ngạc nhiên là giá ngũ cốc tăng vọt trên thị trường thế giới trong các năm 2010 – 2012 ít tác động đến giá cả tiêu thụ. Điều này cho thấy, giá lương thực bị chi phối bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là chi phí vận chuyển (chi phí vận chuyển đường biển rất thấp trong năm 2012), chế biến và trợ giá của Nhà nước.

FAO nhận định, trong hai thập niên qua, khả năng cung ứng lương thực tăng nhanh hơn dân số trong các nước đang phát triển. Do vậy, số người bị đói đã giảm. Mặt khác, cơ cấu lương thực và thực phẩm trong bữa ăn của người dân cũng thay đổi, tỷ lệ ngũ cốc, các loại củ, rễ, đã giảm, trong khi hoa quả, rau, các thực phẩm có nguồn gốc động vật và dầu lại tăng mạnh.

Các nước Châu Phi và Nam Á lại không theo xu hướng biến đổi này và vẫn phụ thuộc vào ngũ cốc và các loại rễ, củ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.