Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG HẠT NHÂN NHẬT BẢN

Hàn Quốc chất vấn Nhật Bản về vụ thải nước nhiễm phóng xạ ra biển

Seoul vào hôm nay, 05/04/2011, đã chất vấn Tokyo về quyết định bơm hơn một chục ngàn tấn nước bị nhiễm phóng xạ tại nhà máy Fukushima ra biển. Là nước kế cận Nhật Bản, Hàn Quốc lo ngại bị vạ lây.

Một chợ cá tại Seoul, 29/3/2011
Một chợ cá tại Seoul, 29/3/2011 REUTERS/Jo Yong-Hak
Quảng cáo

Theo ông Cho Byung Jae, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Đại sứ quán của họ tại Tokyo đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản giải thích về vụ thải nước này. Đối với ông Cho Byung Jae, vì đó là nước bị nhiễm phóng xạ hạt nhân, cho nên Hàn Quốc cần phải được Nhật Bản cung cấp thêm dữ liệu khoa học về việc này.

Trước đó, một quan chức Bộ Ngoại giao tại Seoul, được hãng tin Yonhap trích dẫn, đã nhận định rằng sự gần gũi về mặt địa dư giữa hai nước làm cho hành động của Nhật Bản biến thành một « vấn đề bức xúc » cho Hàn Quốc.

Từ hôm qua 4/4, Nhật Bản bắt đầu cho thải nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương, khẳng định rằng loại nước này chỉ bị nhiễm xạ nhẹ, do đó không tác hại đến sinh vật ngoài biển. Kế hoạch xả nước dự trù kéo dài 5 ngày.

Theo thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo, để khắc phục tình trạng nước thải ra biển bị nhiễm xạ, TEPCO đã yêu cầu Nga cung cấp một nhà máy nổi chuyên xử lý nước nhiễm xạ từ các tàu ngầm hạt nhân của họ.

"Không còn giải pháp nào khác ngoài việc thải 11.500 tấn nước bị nhiễm xạ nhẹ này ra Thái Bình Dương". Chính quyền Nhật Bản đã cho biết như trên. Tập đoàn TEPCO không còn chỗ để chứa loại nước có độ nhiễm xạ cao hơn nữa.

Công việc thải nước sẽ kéo dài 5 ngày, thế nhưng ngay lập tức, Hàn Quốc đã tỏ ý quan ngại trước nguy cơ ngành đánh cá của họ có thể bị thiệt hại do tình trạng nước biển bị nhiễm xạ.

Để hạn chế việc thải nước bị nhiễm xạ ra biển, tập đoàn TEPCO đã yêu cầu Nga cung cấp cho họ một nhà máy nổi, chuyên xử lý nước bị nhiễm phóng xạ. Một trong những nhà máy này được đặt tại Vladivostock, miền Viễn Đông nước Nga, chuyên « giải độc » cho các tàu ngầm nguyên tử của Nga.

Trên đất liền, tỉnh Fukushima đang cho đo lường mức độ phóng xạ tại hơn một ngàn công viên, vườn trẻ hay sân trường học trong vùng. Các bậc phu huynh học sinh ngày càng lo ngại là tỷ lệ phóng xạ có thể làm tổn hại sức khỏe con em của họ.

Nhìn chung, các chuyên gia hạt nhân Nhật Bản độc lập đã không khỏi lo ngại trước hai nguy cơ : trước hết là một vụ nổ tương tự như một ngọn núi lửa dưới sức ép của khối lượng hơi nước tích tụ càng lúc càng nhiều trong 6 lò hạt nhân tại Fukushima, và kế đến là việc các thanh nhiên liệu hạt nhân đã bắt đầu bị nung chảy.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.