Vào nội dung chính
PHÓNG XẠ HẠT NHÂN

Hải sản bị đe dọa, nếu phóng xạ rơi xuống Thái Bình Dương

Các báo Pháp hôm nay đều tiếp tục chia sẻ nỗi đau với Nhật Bản và mối lo ngại của toàn thế giới. Nhật báo Le Monde chạy tít lớn trên trang nhất «Những nỗ lực vô vọng ở Fukushima». Libération dành trọn trang nhất cho bức ảnh một cụ bà Nhật đang chấp tay cầu nguyện với hàng tựa « Sống sót ».

Xả thịt cá voi tại cảng Wada Minamiboso, đông nam Nhật Bản, 28/6/2008.
Xả thịt cá voi tại cảng Wada Minamiboso, đông nam Nhật Bản, 28/6/2008. REUTERS/Toru Hanai/Files
Quảng cáo

Trang nhất tờ L’Humanité đăng bài « Fukushima trước thềm địa ngục ». Tờ báo cho biết, một dân biểu thuộc đảng Cộng sản Nhật tố cáo sự thất trách của tập đoàn Tepco, tập đoàn trực tiếp khai thác nhà máy Fukushima.

Nhật báo La Croix và Le Figaro cũng dành trang nhất cho chủ đề hạt nhân với bài « Những chiến sỹ cứu cấp » và « Nhật Bản cố gắng tránh để xảy ra thêm một vụ Tchernobyl ». Les Echos thông tin sâu về tình hình rối rắm do thảm họa Fukushima với bài viết đăng trên tranh nhất « Thảm họa làm thay đổi mọi thứ ».

Theo hướng gió hiện tại, các chất phóng xạ thoát ra từ lò hạt nhân Fukushima sẽ bị đẩy về hướng Thái Bình Dương, và có thời gian phân tán trong bầu khí quyển và lòng đại dương. Nhưng như thế thì lợi bất cập hại, bởi đại dương sẽ bị ô nhiễm phóng xạ. Về vấn đề này, Le Monde cảnh báo « Sự nhiễm chất phóng xạ của Thái Bình Dương sẽ đe dọa nguồn hải sản ».

Nếu lòng biển bị nhiễm xạ, hải sản cũng bị nhiễm theo. Người chịu thiệt nhất chính là người Nhật, bởi họ nằm trong số những người ăn hải sản nhiều nhất thế giới, với từ 70 đến 80 kg/người/năm.

Tờ báo nhắc lại, vụ nổ Tchernobyl vào năm 1986 đã ảnh hưởng phần nào đến biển cả, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là biển Baltique và Biển Đen.

Le Monde cho biết, nguồn nhiễm phóng xạ cho biển cả chủ yếu đến từ các vụ thử tên vũ khí hạt nhân được tiến hành trong những năm 1960, và đến từ các nhà máy xử lý chất đốt La Hague của Pháp và Sellafield của Anh.

Hiện tại, nước biển sử dụng làm nguội các lò phản ứng ở Fukushima sẽ bốc hơi, và trên lý thuyết thì nước này sẽ không bị thải vào môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, qua đường không khí, các phân tử phóng xạ có thể gây ô nhiễm cho môi trường nước. Một chuyên gia nhận định, ''nếu có mưa thì những đám mây bụi chứa phóng xạ sẽ đến với đại dương dễ dàng hơn''.

Theo kinh nghiệm từ vụ Tchernobyl, các phân tử phóng xạ có thể bị cuốn rất nhanh xuống lòng đại dương thông qua những động thực vật nổi. Đáng chú ý là, những sinh vật nổi lại là tầng đầu tiên trong chuỗi thực phẩm trong đại dương. Các phân tử phóng xạ như vậy sẽ có thể gây nhiễm cho tất các các sinh vật biển, vì thế, cũng sẽ gây hại cho con người. Người Nhật ăn rất nhiều rong biển, mà rong biển thì lại chứa rất nhiều chất phóng xạ i-ốt. Chất này có trong tự nhiên hoặc được thải ra từ các lò hạt nhân.

Hiện tại, chưa có lệnh cấm dùng hải sản nào được đưa ra. Ấn Độ, Singapore, Ski Lanka, Đài Loan, Philippines và Malaisia đã thông báo vào hôm thứ hai là có ý định tiến hành kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhất là thực phẩm tươi sống.

Trung Quốc vẫn tiếp tục chương trình phát triển điện hạt nhân

Thảm họa Fukushima lần này đã khơi dậy cuộc tranh luận ở nhiều nước về việc có thể loại bỏ hẳn các nhà máy hạt nhân hay không. Trong bối cảnh đó, Le Monde cho biết « Trung Quốc sẽ tiếp tục chương trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân của mình ».

Thảm họa hạt nhân ở Nhật mặc dù đã không dẫn đến một cuộc tranh luận công khai về chương trình hạt nhân ở Trung Quốc, nhưng nó cũng thu hút được sự quan tâm của một đất nước thường xuyên xảy ra động đất, nơi mà người dân bắt đầu khám phá nguy cơ của năng lượng nguyên tử.

Ngày 14/3 rồi, người đứng đầu ngành năng lượng Trung Quốc đến thăm một trung tâm nghiên cứu về năng lượng hạt nhân của nước này. Quan chức này đã kêu gọi rút kinh nghiệm từ thảm họa Fukushima, và xây dựng một « ngành công nghiệp hạt nhân phát triển trong an toàn tuyệt đối với tinh thần trách nhiệm cao ».

Theo kế hoạch quốc gia, từ đây đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xây dựng xong 70 lò phản ứng hạt nhân, tức qua mặt cả Nhật Bản. Phần lớn trong số 30 lò phản ứng mà Trung Quốc đang xây dựng, nằm ở vùng duyên hải. Theo cấu tạo địa chất, nước này cũng ít nguy cơ bị động đất hơn Nhật Bản. Tuy nhiên, một nhà địa chất học nước này cảnh báo, dù trong quá khứ chưa từng xảy ra thảm họa nào cho các bờ biển Trưng Quốc, thế nhưng, hiện tại nhân loại đang đối mặt với giai đoạn thường xuyên có động đất, do đó, cần phải tính đến những kịch bản xấu nhất.

Sắp tới, phần lớn các tỉnh thành Trung Quốc đều có lò phản ứng hạt nhân. Đến mức mà thứ trưởng môi trường nước này đã phải báo động : « Lĩnh vực hạt nhân phát triển qua nhanh, nó đe dọa chất lượng công trình và tính an toàn trong vận hành của các lò phản ứng ».

Le Monde cho hay, chủ đề hạt nhân đã trở thành chủ đề số một trên các diễn đàn Internet. Có nhiều tin đồn về nguy cơ rò rỉ hạt nhân gây hoang mang dư luận. Hãng tin BBC cũng vừa ban hành thông cáo đính chính về một bài viết giả danh BBC được đăng tải trên mạng và qua tin nhắn, với nội dung cảnh báo về nguy cơ sẽ có mưa phóng xạ. Bài báo này đã gieo rắc sợ hãi ở nhiều nước, nhất là ở Philippines. Trong khi đó, mấy ngày qua, các hải cảng Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra chất phóng xạ những tàu hàng đến từ Nhật Bản.

Nga thiếu chuyên gia kỹ thuật theo dõi an toàn tại các nhà máy hạt nhân

Tiếp theo, Le Figaro quan tâm đến Nga, nước xếp thứ 4 về sản xuất điện hạt nhân. Với bài viết « Ở vùng Mourmansk, Nga đối mặt với ''thùng rác'' hạt nhân », tờ báo cho biết nước này thiếu chuyên gia đủ khả năng theo dõi tình hình kỹ thuật tại các nhà máy hạt nhân.

Bán đảo Kola nằm bên bờ Biển Trắng là một vùng tuyệt đẹp với hồ, cảnh thiên nhiên hoang dã, thú săn đa dạng. Trên bán đảo này có nhà máy điện hạt nhân Cola. Từ 60 năm nay, nhà máy này cung cấp đến 60% điện năng cho cả vùng Mourmansk. Như một du thuyền giữa biển khơi, nhà máy hạt nhân Cola hiện lên với dáng vẻ kiêu hãnh.

Tuy vậy, thảm họa Fukushima đã khiến Matxcova phải tỏ ra thận trọng hơn. Cựu chỉ huy nhóm « lính quyết tử » cứu lò Tchernobyl năm 1986 cho biết, nhà máy Cola không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hạt nhân thế giới và lên án việc một vài nhà máy cũ kỹ tiếp tục được gia hạn thời gian hoạt động. Người này nhận định, Nga thiếu chuyên gia có đủ năng lực theo dõi tình trạng an toàn tại các nhà máy hạt nhân.

Đến năm 2009, lò phản ứng số 1 của Cola đã vượt 6 năm thời gian vận hành cho phép. Thế nhưng, tổ máy này đã được phép tiếp tục hoạt động đến năm 2018. Lò phản ứng số 2 cũng được gia hạn thêm 10 năm sau 35 năm vận hành. Cuối tháng 9/2010, lò phản ứng số 3 đã bị buộc ngừng hoạt động do trục trặc kỹ thuật, mặc dù không có hiện tượng rò rỉ phóng xạ.

Thủ tướng Nga Putin đã ra lệnh cho chính phủ phải tiến hành phân tích thực trạng và tương lai của các nhà máy hạt nhân. Còn tổng thống Dimitri Medvedev thì tái khẳng định, nguyên tử vẫn là nguồn năng lượng an toàn. Tuy nhiên, ông Medvedev cũng nhấn mạnh, các nhà máy hạt nhân phải được xây dựng ở vị trí thích hợp và phải được theo dõi đúng mức.

« Ngày tận thế trên màn ảnh rộng »

Điện ảnh cũng liên quan đến … hạt nhân. Le Figaro cho biết, từ hơn 50 năm nay, thảm họa nguyên tử luôn là đề tài thu hút của các nhà làm phim Nhật Bản. Thế nhưng, chưa tác giả nào nghĩ ra được bi kịch mà nước này hứng chịu hôm nay, đó là tai họa kép động đất và hạt nhân. Bài viết chạy tựa « Ngày tận thế trên màn ảnh rộng ».

Từ thảm họa Hiroshima và Nagasaki, nhiều phim về đề tài thảm họa đã ra đời. Nào là phim "Godzilla" năm 1954, "Syndrome chinois" năm 1980, và mới đây là "La Route".

Bà Helene Puiseux, giáo sư tại Paris, nhận xét, xem những phim này, người ta cảm giác có sự trùng hợp giữa phim và tình hình hiện nay tại Nhật.

Theo giáo sư xã hội học Pierre Lagrange thuộc đại học Avignon (Pháp), tình hình hiện tại kích thích trí tưởng tượng của mọi người. Nguồn ý tưởng cho phim về đề tài thảm họa được kích thích. Thế nhưng, có một điều khác biệt giữa hiện tại và quá khứ, đó là trước kia loại phim này thuộc về lĩnh vực giải trí, khi đó không ai nghĩ rằng thảm họa sẽ xảy ra. Ngày nay, khi xem những phim này, người ta từ hỏi một cách nghiêm túc rằng, liệu thảm họa hư cấu trong phim sẽ thật sự xảy đến hay không. Ông Lagrange cũng nhận định, thế giới đã đi vào thời đại bất an, với đầy nguy cơ vây bủa.

Một nhận thức mới cũng được ghi nhận, đó là thảm họa thiên nhiên có thể được tăng cường bởi thảm họa hạt nhân. Một chuyên gia Pháp nhận định, nét đặc biệt trong thảm họa ở Nhật lần này là « sự kết hợp giữa thiên tai và nhân họa ». Theo chuyên gia này, trong hiện tại, Hollywood có thể chưa nghĩ đến, nhưng chắc chắn rằng, sắp tới sẽ xuất hiện một làn sóng phim về chủ đề này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.