Vào nội dung chính
GAMBIA - MIẾN ĐIỆN

Cáo buộc diệt chủng người Rohingya : Gambia lên án sự ''im lặng'' của Aung San Suu Kyi

Hôm nay 12/12/2019 là ngày cuối cùng trong cuộc điều trần của lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi trước Tòa quốc tế về cáo buộc diệt chủng người Rohingya. Gambia, quốc gia đệ đơn kiện lên Tòa Công Lý Quốc Tế, lên án việc bà Aung San Suu Kyi im lặng trước các tội ác của quân đội Miến Điện.

Bộ trưởng Tư pháp Gambia Abubacarr Tambadou và lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi tại phiên tòa trong vụ Gambia kiện Miến Điện về tội diệt chủng, tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại Lahaye, Hà Lan, ngày 10/12/2019.
Bộ trưởng Tư pháp Gambia Abubacarr Tambadou và lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi tại phiên tòa trong vụ Gambia kiện Miến Điện về tội diệt chủng, tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại Lahaye, Hà Lan, ngày 10/12/2019. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Theo AFP, các luật sư của Gambia khẳng định lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện đã nhắm mắt làm ngơ trước các cáo buộc giết người hàng loạt, hãm hiếp, trục xuất người ồ ạt, khi bà Aung San Suu Kyi khẳng định quân đội Miến Điện chỉ nhắm vào các lực lượng phản kháng. Một luật sư nhấn mạnh là : ''Từ cưỡng hiếp đã không một lần nào'' được lãnh đạo chính phủ Miến Điện nhắc đến.

Ngày hôm qua, bà Aung San Suu Kyi – dẫn đầu phái đoàn của chính quyền Miến Điện đến La Haye – bác bỏ cáo buộc quân đội Miến Điện ''chủ trương tiến hành chiến dịch diệt chủng'', tuy có thừa nhận không thể loại trừ việc quân đội Miến Điện đã ''sử dụng vũ lực thái quá''.

Một mặt cực lực bác bỏ tội danh ''diệt chủng'', mặt khác, lãnh đạo chính phủ Miến Điện Aung San Suu Kyi cũng so sánh việc khoảng 740.000 người Rohingya phải chạy ra nước ngoài tị nạn với làn sóng tị nạn của 200.000 người Serbia, chạy khỏi Croatia, do bị lực lượng vũ trang Croatia truy bức trong những năm 1990.

Lãnh đạo Miến Điện cũng nhấn mạnh là với việc chính quyền của bà đã ký kết một thỏa thuận với Bangladesh để người tị nạn được hồi hương, không thể quy cho chính quyền Miến Điện tội ác ''diệt chủng''. Buổi điều trần của Aung San Suu Kyi được truyền hình trực tiếp tại Miến Điện.

Cuối ngày hôm nay, phía Miến Điện sẽ đưa ra tuyên bố cuối cùng. Tòa Công Lý Quốc Tế không xác định ngày đưa ra ''các biện pháp tạm thời'', tuy nhiên, dự kiến các thông báo đầu tiên sẽ được đưa ra vào tháng Giêng năm tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.