Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng dồn dập thử tên lửa : Thùng rỗng kêu to ?

Bình Nhưỡng thông báo chiều ngày 07/12/2019 đã tiến hành một vụ "thử nghiệm rất quan trọng" từ căn cứ Sohae. Vụ việc diễn ra đúng vào lúc tại Washington tổng thống Mỹ tuyên bố với báo chí ông có "quan hệ rất tốt với Kim Jong Un".

Vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên được phát trên truyền hình Hàn Quốc, ngày 28/11/2019.
Vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên được phát trên truyền hình Hàn Quốc, ngày 28/11/2019. REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Bắc Triều Tiên đã gia hạn cho Hoa Kỳ đến "cuối năm" để nối lại đàm phán. Càng gần đến hạn định này Bình Nhưỡng càng dồn dập cho thử tên lửa. Qua các đòn diễu võ dương oai đó, phải chăng chế độ Kim Jong Un muốn che đậy hai nhược điểm lớn : quân sự và kinh tế ?

Trên báo The Diplomat ngày 04/12/2019, nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Quốc Phòng và Chiến Lược Đại Học Công Nghệ Nanyang-Singapore đặt câu hỏi "Có gì đằng sau việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa ?"

Tác giả điểm lại : từ tháng 5 cho đến ngày 28/11/2019 Bắc Triều Tiên đã thử 13 quả tên lửa. Hành động này nhằm thể hiện bất bình về các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế. Lệnh cấm vận chính thức được ban hành từ năm 2016. Tới nay, Bình Nhưỡng luôn xem việc giảm nhẹ các biện pháp cấm vận là một điều thiết yếu để đổi lấy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính ông Kim Jong Un từng đề ra thời hạn "cuối năm 2019" để đàm phán với Mỹ. Do vậy theo nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, Bắc Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa nhằm nhắc nhở Hoa Kỳ rằng chớ nên xem nhẹ "tối hậu thư" của Bình Nhưỡng.

Nhưng bên cạnh yếu tố chính trị vừa nêu, hai yếu tố quân sự và kinh tế cũng quan trọng không kém. Về khả năng quân sự, nhiều chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đang thử nghiệm một số các loại tên lửa đời mới khá lợi hại. Trong số này phải kể đến loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-25 vừa nhẹ, vừa có khả năng linh động cao. Với tầm bắn 380 cây số, KN-25 có khả năng bắn chận đủ loại tên lửa xuất phát từ Hàn Quốc mà không cần phải dùng tới loại tên lửa tầm trung như Rodong1 hay Hwasong7. Bình Nhưỡng làm chủ loại vũ khí lợi hại này sẽ là một thách thức đối với giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy nhiên hệ thống phòng thủ của Bắc Triều Tiên có nhiều lỗ hổng. Tác giả bài báo trên The Diplomat nói đến "thế yếu" của cỗ máy quân sự tại quốc gia này. Việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, cho thử nghiệm hàng loạt các loại tên lửa, không che dấu được một điều : đó là yếu kém của quân đội Bắc Triều Tiên. Cả trên không, trên biển và trên bộ, các chương trình tập huấn thường bị hủy bỏ, khi thì do thiếu xăng, lúc thì do trang thiết bị lỗi thời...

Vậy phải chăng Bắc Triều Tiên dồn nỗ lực phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân để che đậy và bù đắp lại với những yếu kém của quân đội truyền thống ? Nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, đại học Singapore cho rằng, vũ khi hạt nhân và tên lửa chứng minh về khả năng răn đe của Bình Nhưỡng và qua đó bảo đảm cho chế độ Kim Jong Un một chỗ đứng trên bàn cờ quốc tế.

Thề còn về kinh tế ? Tác giả bài báo cũng tin rằng, đây là động cơ thứ nhì ít nhiều liên quan trực tiếp đến chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Có điều Bình Nhưỡng đủ khôn ngoan để không vượt quá lằn răn đỏ để tránh lãnh thêm các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Có nghĩa là chỉ dừng lại ở việc thử tên lửa tầm ngắn. Dường như cộng đồng quốc tế có một sự khoan dung nào đó với chế độ của Kim Jong Un, nếu Bắc Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa.

Trong những điều kiện đó, tác giả bài viết trên tờ báo Nhật, The Diplomat, Liang Tuang Nah, tin rằng trong năm 2020 Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục đều đặn thử tên lửa và thử nghiệm các loại vũ khí mới để nắn gân quốc tế. Kịch bản tệ nhất vẫn có thể xảy ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.