Vào nội dung chính
PHILIPPINES - MIẾN ĐIỆN

Philippines sẵn sàng tiếp đón thuyền nhân Miến Điện

Bị nhiều nước Đông Nam Á ruồng bỏ, thuyền nhân Miến Điện và Bangladesh có thể trông cậy vào lòng độ lượng của Philippines. Hôm nay 19/05/2015, Manila cho biết sẵn sàng cứu giúp thuyền nhân Rohingya như đã đón nhận hàng trăm ngàn người Việt Nam tỵ nạn sau tháng Tư năm 1975.

Người tỵ nạn Rohingya trong trại tạm trú trên đảo Kuala Langsa - REUTERS /Beawiharta
Người tỵ nạn Rohingya trong trại tạm trú trên đảo Kuala Langsa - REUTERS /Beawiharta
Quảng cáo

Trên đài truyền hình ANC của Philippines, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Charles Jose tuyên bố Philippines có bổn phận phải cứu giúp di dân tỵ nạn mà trong số này có nhiều người bị đàn áp vì Philippines là thành viên ký kết Hiến chương của Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn năm 1951. Do vậy, Manila cam kết cũng như vì bổn phận phải cứu trợ nhân đạo những người tìm đường tỵ nạn.

Chính phủ Manila không cho biết rõ chi tiết kế hoạch cụ thể nhưng xác nhận tuyên bố trên là đường lối chính sách của nhà nước trước một thảm nạn đang gây xúc động trong công luận.

Nhắc lại một trường hợp tương tự cách nay ba, bốn thập niên, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Charles Jose đương cử thảm nạn thuyền nhân Việt Nam sau chiến tranh 1975. Philippines không những đón tiếp những người Việt Nam vượt biển thẳng tới Philippines mà cả những người đã cập bến một nước khác.

Theo trang mạng internet của chính phủ Manila, khoảng 400.000 ngàn người Việt Nam đã tạm cư ở các trại tỵ nạn tại Philippines trong khi chờ đợi định cư ở một nước thứ ba như Hoa Kỳ, Canada, Tây Âu , Úc …

Được AFP đặt câu hỏi, phát ngôn viên Phủ tống thống Herminio Coloma cũng tuyên bố Philippines mở rộng vòng tay đón người tỵ nạn theo tinh thần vị tha và thương yêu đồng loại, những giá trị của Thiên chúa giáo. Ông giải thích : là một nước mà tín đồ Công giáo đông đảo nhất Đông Nam Á, Philippines có bổn phận phải cứu giúp những người cần được cứu giúp.

Trong tuần qua, khoảng 3.000 thuyền nhân Rohingya (Miến Điện) và Bangladesh, trôi dạt trong vùng biển Indonesia, Malaysia và Thái lan đã được ba nước này cứu trợ nhưng các con thuyền khác bị kéo ra khơi. Hiện còn khoảng 8.000 di dân vẫn lên đênh trên biển theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc.

Theo AFP, khoảng 100 thuyền nhân đã tử vong trên một chiếc tàu bị đường dây buôn người bỏ rơi. Theo lời kể của các nạn nhân sóng sót, trong nỗi tuyệt vọng, hai nhóm di dân Rohingya và Bangladesh đã chém giết nhau bằng dao, búa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.